Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng caochất lượng dân số tại vùng mức sinh thấp năm 2024
Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang được xếp vào nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp trong cả nước, số liệu năm 2023 cho thấy, số con trung bình của một người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở thành phố là 1,32 con. Trong điều kiện kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc đô thị hóa cao, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, …
Để góp phần giải quyết vấn đề mức sinh thấp của Thành phố, ngành Y tế phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tổ chức Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng Dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024. Chiến dịch được triển khai thực hiện tại 159 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện từ ngày 01/7/2024 đến 31/8/2024. Các hoạt động của Chiến dịch nhằm giúp cho người dân Thành phố được tiếp cận các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số có chất lượng, an toàn và hiệu quả. Bên cạnh việc tổ chức cao điểm tuyên truyền nhằm cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về những vấn đề dân số của Thành phố, cụ thể như sau:
Một là: Những hệ lụy của vấn đề mức sinh thấp kéo dài, gây ra:
– Bất lợi đầu tiên là sự thay đổi nhanh chóng về cơ cấu dân số, tốc độ già hóa dân số sẽ diễn ra rất nhanh. Điều này tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, …
– Vấn đề mức sinh thấp và già hóa dân số tác động trực tiếp đến “số lượng dân số”, làm suy giảm nguồn nhân lực đặc biệt là lao động trẻ, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Mặt khác, chi phí cho chính sách khuyến khích sinh sẽ gây áp lực cho nguồn ngân sách của Thành phố, trong khi đó, nguồn ngân sách này nên đầu tư cho việc nâng cao chất lượng dân số để có thể phát triển bền vững.
Để giải quyết tình trạng mức sinh thấp của Thành phố, ngành Y tế kêu gọi người dân cùng chung tay, đồng tình ủng hộ thực hiện thông điệp “Mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Việc sinh đủ hai con sẽ góp phần cải thiện mức sinh của Thành phố, kéo dài được thời kỳ cơ cấu dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số.
Hai là: Tầm quan trọng, ý nghĩa của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn
– Khám sức khỏe trước khi kết hôn là giải pháp rất cần thiết giúp cho thanh niên và nhất là các cặp đôi chuẩn bị kết hôn chuẩn bị kiến thức, tâm lý, sức khỏe để khởi đầu cuộc sống hôn nhân, tình dục khỏe mạnh, an toàn và gia đình hạnh phúc.
– Khám sức khỏe trước khi kết hôn mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, nó giúp các cặp đôi chủ động tầm soát, phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lý liên quan đến sức khỏe của bộ máy sinh sản, khả năng mang thai và sinh con. Hơn nữa, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp phòng ngừa, phát hiện sớm bệnh tật, trong đó có các bệnh lây truyền qua đường tình dục từ đó có giải pháp can thiệp điều trị kịp thời, hiệu quả tránh ảnh hưởng đến đời sống tình dục vợ chồng; vấn đề mang thai và sinh con về sau được thuận lợi hơn. Khám sức khỏe trước khi kết hôn chính là việc thể hiện tránh nhiệm với gia đình, người bạn đời và tương lai con cái sau này.
Để chủ động thực hiện tham gia khám sức khỏe trước khi kết hôn, người dân có thể đến tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố như: Phòng khám 957 đường 3/2 (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố), Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Bình Dân để được cung cấp dịch vụ một cách an toàn, thuận lợi.
Ba là: Lợi ích của việc thực hiện tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh, qua đó:
– Nhằm chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai và sơ sinh giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
– Lợi ích của Sàng lọc trước sinh và Sàng lọc sơ sinh, đó là: Cơ hội sinh con khỏe mạnh nhiều hơn; Giảm lo lắng về khả năng sinh con bị dị tật; Lựa chọn ngưng thai kỳ khi phát hiện thai nhi bị dị tật bẩm sinh nặng; Có kế hoạch sinh và chăm sóc trẻ bị dị tật một cách tốt nhất trong trường hợp thai phụ quyết định giữ thai; Giảm chi phí cho gia đình và xã hội; Góp phần cải thiện chất lượng dân số.
Để phát hiện và xác định các nguyên nhân gây ra tật, bệnh bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh, thai phụ cần đến khám và thực hiện sàng lọc theo hướng dẫn của bác sỹ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản trên địa bàn Thành phố.
Bốn là: Thách thức, các vấn đề gặp phải khi Thành phố Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn già hóa dân số
Theo cơ sở dữ liệu do công an Thành phố cung cấp năm 2023, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) của Thành phố là 1.135.889 người, chiếm tỉ lệ 12,05 %. Những số liệu này cho thấy Thành phố đã bước nhanh vào tiến trình già hóa dân số. Già hóa Dân số tại Thành phố chịu sự tác động sâu sắc của mức sinh thấp, mức chết thấp và tuổi thọ trung bình tăng cao.
Già hóa dân số cũng tạo ra những thách thức về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa cho các cá nhân, gia đình, xã hội và cộng đồng. Cụ thể:
– Già hoá dân số sẽ khiến cấu trúc gia đình thay đổi. Con người sống lâu hơn, sinh ít con hơn và cũng ít quyền được lựa chọn chăm sóc hơn. Hiện tại, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, tinh thần cho người cao tuổi ở nước ta chưa phát triển, đa số người cao tuổi vẫn sống nương tựa vào con cháu.
– Già hoá dân số khiến thời gian sống sau nghỉ hưu tăng lên, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế và hệ thống trợ cấp lương hưu. Già hoá dân số cũng làm cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động giảm đi, cơ cấu nghề nghiệp sẽ thay đổi, gánh nặng kinh tế cho người lao động trẻ cũng cao hơn … Tất cả những hệ luỵ đó nếu không được giải quyết thoả đáng sẽ là thách thức to lớn cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai không xa.
Để ứng phó với quá trình già hóa dân số, ngành Y tế Thành phố đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp: Tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Trong suốt thời gian triển khai Chiến dịch, ngành Y tế sẽ triển khai nội dung khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm và lập hồ sức khỏe dành cho người cao tuổi.
Ngành Y tế kêu gọi các Ban ngành, Đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội ở các cấp, cùng toàn thể người dân tích cực hưởng ứng và tham gia các hoạt động của Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng Dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2024 nhằm góp phần giải quyết các vấn đề dân số cấp thiết của Thành phố. Vì dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn Thành phố./.