spot_img

PHƯỜNG NGUYỄN THÁI BÌNH TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Bệnh viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ (ĐMĐ) là bệnh khá phổ biến. Bệnh có khả năng lây lan nhanh và dễ bùng phát thành dịch nếu không được cách ly kịp thời. Ngoài gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, ĐMĐ có thể dẫn đến biến chứng viêm, loét giác mạc. Hiện nay, bệnh ĐMĐ đang vào mùa, với số người mắc bệnh tăng.

Bệnh nhân thường có những cảm giác ở mắt như: Nóng rát, đau, nặng mắt, xốn, đôi khi kèm theo nhìn mờ, nhìn thấy quầng màu và sợ ánh sáng. Ngoài các biểu hiện tại mắt, người bệnh có thể bị viêm họng, nổi hạch trước tai và sốt nhẹ. Bệnh có thể chỉ giới hạn ở 1 mắt nhưng thường xảy ra ở 2 mắt.

Bệnh ĐMĐ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và vào tất cả thời gian trong năm, nhưng phổ biến là ở trẻ em và người trẻ. Bệnh thường gia tăng vào thời gian giao mùa. Do tác nhân chủ yếu của bệnh ĐMĐ là vi rút nên bệnh rất dễ lây lan nhanh chóng và bùng phát thành dịch lớn trong cộng đồng.

Bệnh ĐMĐ thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, các dịch tiết từ mắt, mũi của bệnh nhân hoặc qua đồ dùng cá nhân, khăn tay nhiễm nguồn bệnh, nước bị nhiễm khuẩn (nhất là nước ở các hồ bơi)…

Hiện bệnh ĐMĐ không có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, đối với bệnh ĐMĐ thì chỉ có thể điều trị triệu chứng như dùng kháng sinh, giảm đau và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh. Đặc biệt lưu ý là người bệnh ĐMĐ không nên tự ý dùng lá cây đắp mắt theo cách chữa trị dân gian, vì ấu trùng giun trong lá có thể chui vào mắt và gây biến chứng nặng nề hơn cho mắt. 

Ngay cả khi không điều trị, bệnh cũng có thể sẽ tự khỏi sau 7 đến 14 ngày và  không để lại biến chứng. Tuy nhiên, do vi rút Adenovirus có ác tính với lớp liên bào giác mạc nên trong một số trường hợp có thể đưa tới biến chứng là loét giác mạc hoặc viêm giác mạc chấm gây mờ mắt trong một thời gian.

Những biến chứng này thường xảy ra ở người có thể trạng suy kiệt hoặc do dùng thuốc điều trị không đúng cách. Do đó, dù đây là bệnh phổ biến, có thể tự khỏi nhưng người bệnh cần phải cẩn trọng. Khi có những triệu chứng nặng như: Đổ ghèn mủ xanh, nhìn mờ, sợ ánh sáng… thì người bệnh nên đến khám tại chuyên khoa mắt để được điều trị thích hợp.

Để phòng ngừa bệnh ĐMĐ, tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, giữ gìn vệ sinh cá nhân, dùng riêng đồ dùng cá nhân, hạn chế đi bơi trong giai đoạn có dịch bệnh, mang mắt kính che bụi khi ra đường, rửa mắt với dung dịch NaCl 0,9% 3 lần/ngày… Riêng người đang bị bệnh ĐMĐ cũng nên hạn chế giao tiếp để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng.

Đề nghị Trưởng 6 khu phố, Ban điều hành 56 tổ dân phố thông báo và hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng tránh bệnh đau mắt đỏ./.

Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết mới nhất