spot_img

TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI VÀ QUẢN LÝ CHÓ, MÈO THẢ RÔNG

I. PHÒNG, CHỐNG BỆNH DẠI

1. Khái niệm:

Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liến của động vật (chó, mèo…). Động vật và người mắc bệnh dại đều dẫn đến tử vong.

2. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:

Sau khi bị chó, mèo dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 – 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng virus xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.

3. Các biểu hiện của bệnh Dại ở chó, mèo:

– Ở chó: Chó bị dại có dấu hiệu khác thường như trốn vào góc tối, kín đáo, tru lên từng hồi; bồn trồn, nhảy lên đớp không khí. Chó liếm hoặc tự cắn, cào đến rụng lông, chảy máu. Chó bỏ ăn, sốt, có biểu hiện khát nước, muốn uống nhưng không nuốt được, chảy nước dãi, sùi bọt mép, bồn trồn, sợ sệt, đi lại không có chủ định, trở nên dữ tợn, điên cuồng. Con vật bỏ nhà ra đi và thường không trở về; trên đường đi, gặp vật gì lạ cũng cắn gặm, tấn công chó khác, kể cả người.

– Ở mèo: Mèo ít bị mắc bệnh Dại hơn chó, bệnh Dại ở mèo cũng tiến triển như ở chó. Mèo hay núp mình vào chỗ vắng, hay kêu, bồn chồn; khi người chạm vào thì nó cắn mạnh và hăng, tạo vết thương sâu.

4. Biểu hiện của người mắc bệnh Dại:

Người mắc bệnh dại sẽ có các biểu hiện hội chứng viêm não tủy cấp tính nổi trội bởi các triệu chứng kích động như: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng hoặc các triệu chứng liệt (thể bại liệt) tiến triển tới hôn mê và thường tử vong sau 07-10 ngày.

5. Các biện pháp phòng, chống bệnh Dại:

Người đã bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Trên thế giới hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh dại nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để phòng chủ động phòng chống bệnh dại, UBND Phường Nguyễn Thái Bình khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Cách phòng bệnh tốt nhất là phải tiêm phòng cho 100% chó, mèo nuôi đầy đủ và nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, theo thông báo của UBND phường.

– Hạn chế nuôi chó, mèo. Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, mèo vì con trẻ thường hay lê la, ôm hôn chó, mèo dẫn đến nguy cơ bị chó, mèo cắn, cào; Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo, nhất là chó, mèo chạy rông ngoài đường; không lại gần khi chó đang ăn hoặc khi chó mẹ đang cho con bú, không nhìn vào mắt chó.

– Nuôi chó phải xích, nhốt; chó ra đường phải được đeo rọ mõm, có người dắt.

– Khi bị chó, mèo cắn cần:

+ Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường – đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

+ Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70%, cồn iod hoặc povidone-iodine (nếu có) để chống bội nhiễm và giảm đến mức tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

+ Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

+ Trẻ em bị chó mèo cắn cần báo cho cha mẹ biết để xử lý kịp thời.

+ Đối với người bị chó, mèo nghi dại cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh, cần đến ngay Trạm Y tế phường hoặc Trung tâm Y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc xin dại càng sớm càng tốt. Đối với chó, mèo nuôi có đăng ký đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong 14 ngày. Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày, nếu chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.

II.CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHÓ, MÈO

1. Các quy định của Nhà nước đối với chủ nuôi chó, mèo:

– Thực hiện đăng ký việc nuôi chó, mèo với Ủy ban nhân dân phường.

– Chấp hành nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định.

– Ký cam kết thực hiện “ 5 không” khi nuôi chó, mèo: Không nuôi chó mèo không tiêm phòng dại; không nuôi chó mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó thả rông; không đế chó cắn người; không nuôi chó mèo gây ô nhiễm môi trường.

– Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm hoặc xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu đến người xung quanh.

– Chịu mọi chi phí trong trường hợp chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó.

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi:

– Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng (Điểm a, khoản 2, điều 7 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, ngày 03/01/2020, của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

– Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng (điểm B khoản 2 Điều 7 – Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, ngày 03/01/2020, của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng).

– Thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng (Điểm b khoản 1 điều 7 – Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng).

– Để vật nuôi, cây trồng hoặc các vật khác xâm lấn lòng đường, vỉa hè, vườn hoa, sân chơi, đô thị, nơi sinh hoạt chung trong khu dân cư, khu đô thị (Điểm c khoản 1 điều 7 – Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng).

– Chăn, thả gia súc, gia cầm trong chung cư (Điểm e khoản 1 điều 7 – Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định mức phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng).

Bài viết cùng chuyên mục

Bài viết mới nhất